Biểu hiện của gãy xương gò má

Vỡ xoang hàm có thể gây chảy máu mũi và tràn khí trong ổ mắt. Tuy nhiên do phù nề và tụ máu vùng ổ mắt tiến triển nhanh sẽ làm che lấp các biến dạng trên.

Khám ngay sau chấn thương sẽ thấy gãy xương gò má mất độ vồng, góc mắt ngoài di lệch (do sa dây chằng mi mắt ngoài) làm cho khi nhìn có cảm giác như bệnh nhân bị sa mi mắt. Đôi khi có thể gặp sa mi mắt dưới do bờ dưới ổ mắt sa xuống dưới và lún vào trong. Lõm mắt thường ít phát hiện được ở giai đoạn này.

Sờ có thể phát hiện thấy khớp thái dương - gò má (cung zygoma) mất liên tục và có điểm đau chói. Đôi khi có thể thấy bờ dưới ổ mắt mất liên tục hoặc là gập góc.

Sờ ở ngách tiền đình hàm trên cũng có thể có điểm đau chói nhất là khi góc dưới của xương gò má gãy. Đôi khi có thể phát hiện thấy tụ máu dưới niêm mạc ở ngách tiền đình.

Có thể có tràn khí dưới da vùng má và mi mắt dưới, cho ta dấu lép bép khi khám. Tràn khí đôi khi có thể lan đến cổ - ngực với dấu hiệu tràn khí trung thất.

Há miệng hạn chế do mỏm vẹt xương hàm dưới vướng vào xương gò má gãy hay do cung Zygoma gãy lún vào trong hoặc cũng có thể do sự co thắt phản ứng của cơ thái dương và cơ cắn

Không có rối loạn khớp cắn nhưng há miệng có thể bị lệch về bên gãy.

Giảm hoặc mất cảm giác ở vùng da do dây thần kinh dưới ổ mắt chi phối (má, cánh mũi, lợi và răng trước) gặp trong 30% - 80% trường hợp, do mảnh xương gãy chèn ép hay làm rách dây thần kinh. Mất cảm giác thường hồi phục sau khi ta giải quyết chèn ép. Nếu không giải quyết được chèn ép thì bệnh nhân có thể bị đau dây thần kinh sau này.

Biểu hiện của gãy xương gò má
Biểu hiện của gãy xương gò má


Chảy máu dưới kết mạc có thể gặp và thường thì xuất hiện muộn hơn. Nhãn cầu tụt vào trong do sa góc mắt ngoài, triệu chứng này chỉ thấy được khi phù nề đã hết, đôi khi lõm mắt còn có thể do các thành phần trong ổ mắt thoát vị vào trong xoang. Triệu chứng này thường tiến triển xấu ngay cả khi đã được điều trị, nhất là khi xảy ra thiểu sản trong ổ mắt thứ phát.

Có thể có lồi mắt, thường do chảy máu sau nhãn cầu, đẩy nhãn cầu ra trước và hạn chế cử động của nhãn cầu, gây tổn thương giác mạc đôi dẫn đến mù.

Vận động nhãn cầu rất khó đánh giá ở giai đoạn đầu do tụ máu và phù nề. Khoảng 20 - 30% bị song thị ngay sau chấu thương, nhất là khi nhìn lên. Song thị thường là do cơ chế cơ học (80%) và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (66%), nhưng đôi khi cũng có thể tồn tại kéo dài.

Lún sàn ổ mắt có thể làm kẹt bao Tenon của nhãn cầu trong đó đặc biệt là dây chằng treo Lock – Wood bao gồm cả cơ thẳng dưới và cơ chéo nhỏ. Đôi khi sàn ổ mắt bị vỡ phần sau làm giới hạn vận động nhìn xuống. Ta phải chú ý rằng không có sự tương ứng giữa loại gãy xương hàm dưới với rối loạn vận động nhãn cầu và nhất là không có sự tương ứng giữa mức độ kẹt của tổ chức quanh ổ mắt với mức độ tổn thương vận động nhãn cầu do luôn tồn tại những cơ chế bù trừ.

Khi khớp trán gò má bị giãn rộng thì một phần của tuyến lệ có thể bị thoát vị, kẹt vào giữa hai đầu gãy, mà ta có thể phát hiện được khi phẫu thuật với đứt điểm bám ngoài của dây chằng Schwalbe (đây là dây chằng lỏng lẻo bám vào mỏm trán của xương gò má). Còn dây chằng Whitnall và Sommering bám vào mỏm ổ mắt của xương trán thì thường không bị tổn thương.

Để chẩn đoán gãy xương gò má ta có thể làm một số Test kiểm tra bổ xung như soi đáy mắt, Test Lancaster để kiểm tra vận động nhãn cầu.

Xquang có một tầm quan trọng đặc biệt trong chẩn đoán gãy xương gò má, thường hay sử dụng fim tư thế Hirtz hay Blondeau. Nếu điều kiện cho phép thì scanner với mặt cắt ngang và đứng ngang cho phép đánh giá đầy đủ tổn thương của xương gò má cũng như các cơ quan lân cận.

Nhận xét